Cây chè từ lâu gắn liền với cuộc sống người dân Lâm Đồng, trong sinh hoạt hàng ngày và trong sản xuất, giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng, đời sống người dân nơi đây. Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, Lâm Đồng trở thành địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước. Thông qua bài viết này, Danh trà Thiên Ký mong muốn gửi đến quý trà hữu cái nhìn tổng quát về vùng chè Lâm Đồng – một trong những vùng trà nổi tiếng nhất cả nước.
Ngược dòng lịch sử
Cây chè có lịch sử phát triển khá lâu đời ở Lâm Đồng. Lịch sử canh nông ở địa phương ghi chép rằng, cây chè xuất hiện trên đất Lâm Đồng vào đầu năm 1927 tại Cầu Đất (Đà Lạt). Người có công du nhập cây chè và nghề làm trà là một công dân người Pháp, tên của ông là Romoeville. Trong chương trình khai thác thuộc địa, từ năm 1925 đến 1939, Khâm sứ Trung kỳ đã ráo riết triển khai thực hiện nghị định về việc chuyển nhượng đất ruộng rẫy của đồng bào thiểu số, hợp thức hóa việc chiếm đất của người Thượng trên cao nguyên Trung phần. Cùng với việc đất đai của đồng bào bị cướp trắng là 500 ngàn héc-ta đồn điền, nông trại của các ông chủ Pháp và Nam Triều cũng ra đời từ thời điểm đó.
Tình hình phát triển
Nằm ở độ cao 800-1.000m so với mực nước biển, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, khí hậu thích hợp cho sự phát triển của cây chè, vì thế chất lượng chè Lâm Đồng luôn được đảm bảo với hương vị thơm ngon với vị ngọt đặc trưng. Hiện nay, tổng diện tích chè trên toàn tỉnh với khoảng 23.000 ha chè. Chè Lâm Đồng từ lâu đã nổi tiếng với những thương hiệu, và cùng với những danh trà có giá trị cao như: trà ô long, trà xanh, trà đen,… Tại Lâm Đồng, cây chè được trồng tập trung chủ yếu ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh,…
Công tác chuyển đổi giống chè luôn được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện đến các địa phương hàng năm thông qua việc hỗ trợ từ đề án chuyển đổi giống cây trồng, chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Diện tích chè hạt giống cũ hàng năm được các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang diện tích có năng suất, chất lượng cao gắn với các doanh nghiệp thu mua, chế biến như giống chè BT14, Olong, Tứ quý, Kim Tuyên, Ngọc Thúy.
Tỉnh Lâm Đồng rất nỗ lực trong việc hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là về cơ cấu giống mới, thu hái, sơ chế, tiến tới đầu tư sản xuất các sản phẩm có chứng nhận, đạt tiêu chuẩn “an toàn thực phẩm” phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu…Thu hút các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở chế biến, đóng gói, đóng hộp… theo tiêu chuẩn tiêu dùng và xuất khẩu.
Thương hiệu chè B’Lao
Nhắc đến trà Lâm Đồng, người dân sẽ nghĩ ngay đến vùng đất cao nguyên B’Lao ngày xưa, tức Bảo Lộc ngày nay. Bảo Lộc nằm trên tuyến quốc lộ 20, cách thành phố Đà Lạt khoảng 110km. Tại đây, cây chè lặng lẽ sinh sôi, len lỏi vào cuộc sống người dân, mỗi gia đình, mỗi góc phố, con hẻm. Chè bắt đầu làm quen với đất B’Lao từ các đồn điền của người Pháp như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierré…rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, các rẫy trà, vườn trà được trồng trong các hộ gia đình. Từ đó, ở vùng đất này đã xuất hiện một tầng lớp cư dân đông đảo chuyên sống bằng nghề trồng chè hoặc chế biến trà hương. Một thế giới riêng của những người làm nghề trà trên đất bazan đã khai mở từ gần 80 năm trước.
Trà Bảo Lộc chiếm khoảng ¼ diện tích trà cả nước với nhiểu chủng loại. Trong những năm gần đây, Bảo Lộc không những chỉ tập trung vào công nghiệp phát triển trà trong nước mà còn tận dụng những lá trà ngon để xuất khẩu nước ngoài. Vì vậy mà Bảo Lộc trở thành thương hiệu sản xuất trà lớn nhất nước ta. Bên cạnh đó, ngành du lịch tại Bảo Lộc cũng phát triển hơn hẳn vì nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý của du khách đối với các đồi chè xinh đẹp tại nơi đây.