Ngành chè Lâm Đồng hội nhập sâu rộng hơn

Trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, ngành chè Lâm Đồng tiếp tục nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu giống, kỹ thuật sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị thương hiệu cạnh tranh hiệu quả hơn nữa trên thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Dây chuyền chế biến chè Ô long xuất khẩu của Công ty Cổ phần Long Đỉnh tại Cụm công nghiệp Phát Chi, Đà Lạt
Dây chuyền chế biến chè Ô long xuất khẩu của Công ty Cổ phần Long Đỉnh tại Cụm công nghiệp Phát Chi, Đà Lạt

• CHẾ BIẾN 90% SẢN LƯỢNG CHÈ CAO SẢN VÀ CHÈ CHẤT LƯỢNG CAO

Thống kê đến nay, toàn tỉnh phát triển hơn 11.093 ha diện tích chè (hơn 11.038 ha diện tích kinh doanh), năng suất bình quân gần 15 tấn/ha. Trong đó gồm: 4.972 ha chè chất lượng cao (chiếm 44,6%), 3.788,6 ha chè cành cao sản (chiếm 34%), 2.333,5 ha chè hạt (chiếm 21,4%). Vùng nguyên liệu chè tập trung tại các huyện Bảo Lâm (7.150 ha); Di Linh (505,6 ha); Đạ Huoai (527,6 ha); Lâm Hà (136 ha); 2 TP Bảo Lộc (2.490 ha), Đà Lạt (236,9 ha). Tỷ lệ chè giống mới hàng năm chiếm 100% diện tích chè chuyển đổi toàn tỉnh. Cụ thể cơ cấu giống chè đa dạng với các tỷ lệ chè cành cao sản TB14, LĐ 97 (gần 60%); chè chất lượng cao kim tuyên, tứ quý, Ô long, ngọc thúy (gần 13%); chè hạt (hơn 27%). Hàng năm chiếm trên 90% sản lượng giống chè cao sản và chè chất lượng cao của tỉnh đều phục vụ chế biến các sản phẩm chè đen (hơn 11%); chè xanh (gần 1,5%); chè Ô long và chè khác (87,5%).

“Thông qua các đề án chuyển đổi giống cây trồng, chương trình nông nghiệp công nghệ cao hàng năm, các huyện, thành trong tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi diện tích chè giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang trồng mới giống chè đạt năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ như các giống chè TB14, Ô long, tứ quý, kim tuyên, ngọc thúy…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết. Theo đó, tổng diện tích chè chất lượng cao, chè cao sản ứng dụng sản xuất công nghệ cao toàn tỉnh đạt gần 3.560 ha (chiếm gần 32%). Trong đó sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã hội đủ các tiêu chí công nhận 1 vùng chè 376 ha tại huyện Bảo Lâm, tiếp tục công nhận thêm 1 vùng chè 600 ha tại TP Bảo Lộc. Riêng 315,4 ha diện tích chè của 51 nông hộ, hợp tác xã và 7 doanh nghiệp được chứng nhận VietGAP, ước sản lượng 6.416,5 tấn. Ngoài ra, còn có 5 ha chè chứng nhận hữu cơ; nhiều diện tích chè khác sản xuất theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM và được các đơn vị thu mua kiểm soát thường xuyên về quy trình canh tác và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tiêu biểu toàn tỉnh có Công ty Cổ phần chè Long Đỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Chứng nhận Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 70 ha, trong đó 50 ha công ty liên kết sản xuất với 40 hộ nông dân, công suất chế biến 4 tấn trà búp tươi/ngày. Hàng năm, doanh nghiệp này sản xuất và xuất khẩu trên 100 tấn chè Ô long sấy và 1,2 tấn chè Ô long bột đến các thị trường Đài Loan, Trung Quốc…

• ĐA DẠNG HƠN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có gần 120 doanh nghiệp chế biến chè với công suất 27.167 tấn/năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô 17.437 tấn/năm, tập trung tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Lâm Hà. Đáng kể, có 18 doanh nghiệp được cấp Chứng nhận HACCP, ISO, Halal về áp dụng đồng bộ các quy trình quản lý chất lượng trong chế biến chè; 11 chuỗi liên kết 338 hộ sản xuất 818 ha chè, đạt sản lượng 9.547 tấn/năm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, sản phẩm chè Lâm Đồng hiện tiêu thụ nội địa chiếm 74,4%, chủ yếu tại các tỉnh miền Trung, Đông và miền Tây Nam Bộ; còn lại tỷ lệ 25,6% xuất khẩu với 15.000 tấn hàng năm, thu về 34,5 triệu USD, tăng 22% sản lượng và 23% giá trị so với năm 2017, chiếm 11% tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu toàn tỉnh.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chè Ô long, chè đen Lâm Đồng vẫn chưa đa dạng, tiêu thụ chủ yếu tại Đài Loan khoảng 90% sản lượng với hàng rào kỹ thuật rất khắt khe. Trong khi sản phẩm chè xanh viên chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Afghanistan, Pakistan, Iran, Irắc, Dubai và các nước Ả Rập tuy ít đòi hỏi về chất lượng, nhưng giá cả thấp và rủi ro cao trong việc thu hồi vốn. Còn sản phẩm chè ướp hương tiêu thụ trong nước chiếm phần lớn thị trường các tỉnh, thành miền Trung trở vào các tỉnh, thành phía Nam.

Để phát triển thị trường xuất khẩu đa dạng, đưa ngành chè Lâm Đồng hội nhập sâu rộng hơn, giải pháp chiến lược cần rà soát lại từng vùng sản xuất chè tập trung của tỉnh, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng những sản phẩm chè có thị trường xuất khẩu ổn định. Bên cạnh đó, có chính sách thu hút các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở chế biến, đóng gói, đóng hộp sản phẩm chè theo tiêu chuẩn tiêu dùng và xuất khẩu; triển khai hỗ trợ tín dụng khâu sản xuất tái canh vườn chè và cơ giới hóa trong khâu thu hái.

Đồng thời, lựa chọn các giống chè năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để sản xuất đại trà, cung ứng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến. Đặc biệt, tập trung nghiên cứu và tổ chức sản xuất các loại chè cao cấp có sức cạnh tranh cao như: chè ướp hương hoa quả, nước chè đóng hộp, chè thuốc, chè thảo mộc…

Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động phát triển thương hiệu chè B’Lao Lâm Đồng, giữ vững những thị trường truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường đổi mới dây chuyền và công nghệ chế biến, đáp ứng cam kết với khách hàng về sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x